KHOA CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

Phát huy giá trị làng nghề guốc gỗ ở Bình Dương

Ngày đăng: 14/02/2023 18:05 | Xem: 898

Phát huy giá trị làng nghề guốc gỗ ở Bình Dương

Trao đổi, bàn thảo các định hướng, giải pháp giữ gìn và phát triển làng nghề làm guốc gỗ tại Thủ Dầu Một là nội dung làm việc giữa trường ĐH Thủ Dầu Một và Bảo tàng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 14/2/2023, Đoàn chuyên gia thuộc Bảo tàng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với trường ĐH Thủ Dầu Một. Tiếp đón đoàn có TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS Phạm Ngọc Trâm – Trưởng khoa Công nghiệp Văn hóa, TS. Nguyễn Văn Thủy – Giám đốc Viện Đông Nam Bộ, cùng cán bộ - giảng viên thuộc khoa Công nghiệp văn hóa. Về phía Bảo tàng Áo dài có bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc, PGS.TS Hà Minh Hồng – Cố vấn cao cấp.

Tìm lại tiếng guốc

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ, Bảo tàng Áo dài là nơi lưu giữ và vinh danh những câu chuyện về chiếc “áo dài Việt Nam” suốt chiều dài lịch sử đất nước. Bảo tàng không chỉ trưng bày những hiện vật, tư liệu quý về áo dài mà còn phát huy các giá trị cốt lõi của trang phục dân tộc vào đời sống thực tế, đưa văn hóa áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Bên cạnh việc khơi dậy và phát huy giá trị của tà áo dài Việt Nam, Bảo tàng còn chú trọng đến việc “làm sống dậy câu chuyện về đôi guốc gỗ Việt Nam” – một “sản phẩm văn hóa” gắn liền và tôn vinh nét đẹp của bộ áo dài truyền thống.

Chia sẻ thêm về tâm huyết “làm sống dậy câu chuyện về đôi guốc gỗ”, PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết, đôi guốc gắn bó trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Việt từ xa xưa. Bất kể người già, trẻ em, thanh niên hay phụ nữ đều có một đôi guốc cho riêng mình, thường sử dụng trong những dịp đi giỗ chạp, cưới hỏi hay trẻ em đi học. Hình ảnh đôi guốc mộc thanh nhã kết hợp cùng tà áo dài truyền thống đã tôn thêm nét đẹp của con người Việt Nam. Với mong muốn “tìm lại tiếng guốc” trong trang phục truyền thống, Bảo tàng Áo dài đề xuất định hướng hợp tác giữa hai đơn vị về việc giữ gìn và phát triển làng nghề làm guốc tại Thành phố Thủ Dầu Một – một trong những nghề thủ công truyền thống của tỉnh Bình Dương.

Lưu giữ nghề làm guốc gỗ truyền thống của Bình Dương

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng vui mừng chào đón đoàn công tác Bảo tàng Áo dài TP.HCM, cảm ơn Đoàn đã tin tưởng chọn trường ĐH Thủ Dầu Một là đối tác để phát triển các chương trình về giữ gìn và phát triển làng nghề làm guốc tại Thành phố Thủ Dầu Một. TS. Ngô Hồng Điệp cho biết, nhắc tới nghề guốc mộc truyền thống ở Bình Dương người ta thường nghĩ ngay tới Thành phố Thủ Dầu Một – mảnh đất khai sinh ra nghề mộc truyền thống của vùng đất này. Nơi đây không chỉ vang lên những tiếng đục đẽo của nghề điêu khắc, chạm gỗ mà còn vang lên âm thanh của tiếng cưa, tiếng gõ của nghề guốc mộc. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cùng với sự xuất hiện của các loại guốc hiện đại, nghề làm guốc gỗ ở Bình Dương đã mất dần chỗ đứng trên thị trường. Nghề làm guốc hiện nay chỉ còn vài hộ gia đình ở phường Phú Thọ tọa lạc trên con đường mang tên “Xóm Guốc”. “Với nguy cơ mai một nghề làm guốc gỗ truyền thống, đề xuất hợp tác từ phía Bảo tàng Áo dài TP.HCM là một tín hiệu vui cho nghề guốc ở Bình Dương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, mở ra cơ hội thúc đẩy việc sản xuất và quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương” – TS. Ngô Hồng Điệp tin tưởng.

Cùng hướng về mục tiêu phát triển bền vững mối quan hệ hợp tác, đem lại những hiệu quả thiết thực cho dự án “Phát huy giá trị làng nghề guốc gỗ ở Bình Dương”, lãnh đạo hai đơn vị đã tập trung bàn thảo kế hoạch, giải pháp thực hiện. Trước mắt, giới thiệu sản phẩm của nghề làm guốc gỗ Bình Dương đến du khách trong và ngoài nước thông qua các hoạt động hội thảo, triển lãm, trình diễn của Bảo tàng Áo dài; phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, thực hiện các đề tài NCKH về làng nghề truyền thống Bình Dương nói chung, nghề làm guốc gỗ nói riêng; phối hợp tổ chức chương trình trình diễn áo dài truyền thống kết hợp mang guốc gỗ tại Bình Dương; tạo điều kiện cho sinh viên khối ngành Công nghiệp văn hóa thực tập thực tế tại Bảo tàng,…

Sau phiên trao đổi, lãnh đạo hai đơn vị đã tham quan thực tế nghề guốc mộc tại phường Phú Thọ - Thành phố Thủ Dầu Một, gặp gỡ gia đình ông Sáu Dẻo - người tâm huyết với nghề làm guốc gỗ truyền thống của ông cha. Đoàn đã khảo sát, tìm hiểu lịch sử làm nghề, hiện trạng sản xuất guốc gỗ, thị trường tiêu thụ, thị hiếu của người tiêu dùng đối với guốc gỗ hiện nay,…

Sáng ngày 14/2/2023, Đoàn chuyên gia thuộc Bảo tàng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với trường ĐH Thủ Dầu Một

Lãnh đạo hai đơn vị đã trao đổi, bàn thảo các định hướng, giải pháp giữ gìn và phát triển làng nghề làm guốc gỗ tại Thủ Dầu Một 

Chương trình hợp tác là một tín hiệu vui cho nghề guốc ở Bình Dương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, mở ra cơ hội thúc đẩy việc sản xuất và quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương

Đoàn tham quan thực tế nghề guốc mộc tại phường Phú Thọ - Thành phố Thủ Dầu Một

Đoàn khảo sát, tìm hiểu lịch sử làm nghề, hiện trạng sản xuất guốc gỗ tại gia đình ông Sáu Dẻo

Đoàn trao đổi, trò chuyện với bà Sáu Dẻo - chủ hộ sản xuất gỗ guốc

Trước kia, xóm Guốc là địa danh nổi tiếng với nghề làm guốc mộc tại Bình Dương

CHƯƠNG TRÌNH
ẢNH HOẠT ĐỘNG