KHOA CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA LAO ĐỘNG DU LỊCH VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày đăng: 09/06/2022 09:35 | Xem: 1143
Nhân lực ngành Du lịch tăng về số lượng và chất lượng
Theo Tổng cục du lịch, nguồn nhân lực du lịch trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển nhanh; hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học. hiện cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, gồm 62 trường Đại học, 80 trường Cao đẳng, 117 trường Trung cấp, 02 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề đào tạo khoảng 22.000 chỉ tiêu/năm. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp… theo đó người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội. Năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Nhân lực có trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch là lực lượng lao động trực tiếp phục vụ khách, cung cấp sản phẩm du lịch, chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn ngành. Số lượng được đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chiếm 7,4% số nhân lực có chuyên môn du lịch, bằng 3,2% tổng nhân lực. Nhân lực được đào tạo ngắn hạn (các lớp nghiệp vụ dưới 3 tháng) chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn, bằng 19,4% tổng số nhân lực toàn ngành. Có thể nói, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu; tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành Du lịch nói chung dần được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của ngành.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Năm 2030 tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 – 9%/năm.
 Những hạn chế trong đào tạo nhân lực du lịch
Trong tình hình mới hội nhập quốc tế và những diễn biến của dịch bệnh, lao động du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế trước yêu cầu trong môi trường cạnh tranh cao. Lao động du lịch ngoài những điểm yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng mềm, còn thiếu tự tin trong môi trường làm việc quốc tế, làm việc thiếu chuyên nghiệp… Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ trong công việc của lao động du lịch Việt Nam còn rất hạn chế.
Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của nước ta còn một số vấn đề bất cập
- Danh mục ngành nghề lạc hậu còn ít so với yêu cầu sử dụng, chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa tính hết yêu cầu của thị trường nên không đáp ứng được thực tiễn; Các trường chưa chú trọng đến việc giáo dục thái độ nghề nghiệp cho sinh viên, đa số các trường chỉ chú trọng đến việc cung cấp kiến thức cho người học, mục tiêu về kỹ năng và thái độ ít được quan tâm; Thời lượng và cách thức rèn luyện kỹ năng thực hành nghề chưa phù hợp, thời lượng học thực hành quá ít do kinh phí thực hành lớn và nhà trường thiếu trang thiết bị cần thiết. Trong suốt quá trình đào tạo sinh viên được đi thực tế  tại cơ sở nhưng hiệu quả không cao. Giữa nhà trường và cơ sở tiếp nhận sinh viên thực tập không có thỏa thuận nào về quyền lợi và trách nhiệm đối với việc hướng dẫn sinh viên thực tập.
-Vấn đề đào tạo kỹ năng mềm như là một hệ thống các môn học chính thống hay các hoạt động bổ trợ nâng cao kỹ năng mềm chưa được chú trọng. Một số trường đã đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy thành nhiều môn học chính thống trong chương trình học. Còn lại, việc đào tạo kỹ năng mềm của đa số các trường khác mới chỉ dừng lại ở mức tổ chức sinh hoạt ngoại khóa không bắt buộc, đan xen trong một số môn học hoặc hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên. Điều đó cho thấy việc giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Sinh viên ra trường thiếu những kỹ năng mềm thiết yếu như: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc đồng đội, kỹ năng quản trị toàn cầu và quản trị chuỗi giá trị đặc thù của ngàn.
- Vấn đề nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không thật sự hiệu quả. Số lượng sinh viên/lớp học đông, thời lượng học ít nên sinh viên ít có cơ hội được thực hành. Thêm vào đó, việc nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn theo lối mòn, chú trọng đến các kỹ năng đọc, viết ít quan tâm đến kỹ năng nghe và nói. Điều này dẫn đến hậu quả là người lao động viết tốt, đọc hiểu nhưng không thể giao tiếp được.
-Việc cung cấp kiến thức về lịch sử, văn hóa thường bị coi nhẹ hơn các môn học chuyên ngành làm giảm tính hiệu quả trong quá trình giao tiếp với khách.
 Những khó khăn đối với nhân lực du lịch trong đại dịch Covit 19
Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, vì đại dịch COVID-19, tháng 3/2020 Việt Nam đã phải ngừng đón khách quốc tế. Du lịch Việt Nam giai đoạn 2015- 2020, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, nay suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp du lịch bị phá sản hoặc ngừng hoạt động, hàng triệu lao động du lịch không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng báo động. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp.
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ban hành ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ có quy định mức hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người, theo phương thức chi trả 1 lần cho các hướng dẫn viên du lịch – những người đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành suốt thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ này có thể giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai. Thực tế là khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi ngành Du lịch hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 những nhân lực bỏ nghề có thể sẽ không quay trở lại làm việc. Theo dự báo sau khi đại dịch được khống chế, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng rất cao. Vì vậy cần có giải pháp chiến lược cho nguồn nhân lực du lịch giai đoạn tới
 Giải pháp nguồn lao động du lịch trước tình hình mới
- Các cấp quản lý cần rà soát tổng thể chính sách và thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng thất thoát nhân lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có chính sách khuyến khích, thu hút người lao động du lịch trở lại làm việc sau đại dịch.  Cần có và thực thi có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp du lịch, lao động du lịch.
- Nâng cao tỉ lệ tiêm vaccine cho lao động trong ngành Du lịch, phải trang bị ngay cho lao động du lịch vũ khí vaccine để họ có đủ điều kiện hoạt động. Khách du lịch quốc tế khi đến với Việt Nam và cả khách nội địa là người Việt Nam sẽ yên tâm khi được những người đã tiêm vaccine phục vụ.
- Đánh giá đúng tầm quan trọng, vai trò nền tảng của du lịch nội địa. Trước hết là xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam. Hiện nay, các công ty lữ hành không phục vụ khách quốc tế thì chuyển sang khách nội địa. Do vậy, do vậy phải đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nội địa một cách nghiêm túc, bài bản, đáp ứng nhu cầu, sở thích của người Việt Nam.
- Thay đổi toàn diện mục tiêu đào tạo tại các cơ sở đào tạo, tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch theo chuẩn khu vực và quốc tế: Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với đào tạo và bổ sung kiến thức thực tiễn để các doanh nghiệp có khả năng tồn tại và chịu được sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chống chọi với những khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh. Công tác đào tạo lao động du lịch cần phải thực hiện một số giải pháp: Xác định mục tiêu kiến thức cụ thể cho từng hệ đào tạo để định hướng và phân loại lao động; cân đối hợp lý giữa thời gian học lý thuyết với thời gian học thực hành của từng hệ đào tạo; Tăng cường trao đổi học liệu, kinh nghiệm đào tạo, liên kết đào tạo với các quốc gia có ngành du lịch phát triển; hoàn thiện, đổi mới hệ thống giáo trình với những nội dung cập nhật, bắt kịp với sự phát triển của thế giới; Đưa hệ thống các môn học kỹ năng mềm cần thiết vào chương trình học chính thống; Mở rộng hoạt động của Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTOS), nhà trường cần đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo ngoại ngữ, đổi mới tư duy, nhận thức về dạy ngoại ngữ từ việc xác định mục tiêu học tập dựa theo nội dung (content objectives) sang mục tiêu thể hiện (performance objectives); xây dựng chuẩn đầu ra cho từng đối tượng; Đẩy mạnh sự liên kết với doanh nghiệp, tăng cường hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhân lực và các doanh nghiệp du lịch; Tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực du lịch. Gắn kết đào tạo với sử dụng trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu ngành vừa thực hiện liên kết vùng và xuất khẩu lao động; tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch.
-  Việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó cần ưu tiên cao nhất cho bảo đảm an toàn phòng chống dịch; cần thí điểm từng bước về thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp, các doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch.
- Phát triển nguồn nhân lực du lịch với khả năng sử dụng và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thông minh.
 Phát triển khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực phát triển của ngành Du lịch, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch, đổi mới cơ chế, tăng cường tiềm lực; gắn nghiên cứu với ứng dụng, góp phần thực hiện các chiến lược và chính sách; giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, thúc đẩy phát triển du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo, sáng chế, phát minh khoa học và công nghệ gắn với nghiên cứu và đào tạo. Thúc đẩy tạo lợi ích về kinh tế từ kết quả nghiên cứu ứng dụng đi đôi với tăng cường quản lý và kinh doanh du lịch. Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước ứng dụng khoa học và công nghệ trong cơ cấu lại ngành du lịch.
Chương trình Du lịch- Trường ĐH Thủ Dầu Một
 
CHƯƠNG TRÌNH
ẢNH HOẠT ĐỘNG